• Tour Du Lịch Trong Nước

    Chuong trình Tour du lịch trong nước giá rẻ cung cấp các thông tin lịch trình và bảg giá tour giá rẻ trong nước dành cho khách đoàn.

  • Du Lịch Vũng Tàu

    Du lịch Vũng Tàu từ lâu thu hút đông đảo du khách, nhất là dịp cuối tuần. Ðến với tour du lịch Vũng Tàu để thỏa sức tắm biển, thưởng thức hải sản tươi sống cùng nhiều dịch vụ tiện ích khác.

  • Du Lịch Ðà Nẵng

    Du lịch Ðà Nẵng Với những khu dô thị hiện đại, những bãi biển xanh trong màu ngọc bích, du lịch Ðà Nẵng luôn lựa chọn hàng đầu của du khách trong và ngoài nước. Hãy đến với “thành phố sông Hàn” ngay hôm nay!

  • Du Lịch Nước Ngoài

    Chương trình Tour du lịch nước ngoài 2013 bao gồm lịch trình, bảng giá tour du lịch nước ngoài dành cho khách lẻ và khách đoàn. Nhiều quà tặng và ưu đãi dành cho khách đăng kí tour du lịch nước ngoài.

  • Du Lịch Nha Trang

    Du lịch Nha Trang với điểm đến là Hòn Mun, Con Sò Tre, Vinpear Land… Cùng tham gia tour du lịch Nha Trang trọn gói của công ty du lịch Ðất Việt để có thể trải nghiệm trọn vẹn vẻ đẹp vùng đất này.

Những sân bay lạ kỳ nhất hành tinh

0 nhận xét


Đường băng ngắn, địa hình nằm sát mặt nước hay trên đỉnh núi cheo leo là những lý do giúp các sân bay thu hút du khách thích cảm giác phiêu lưu, mạo hiểm.
Những sân bay lạ kỳ nhất hành tinh 1
Sân bay Barra ở Scotland là sân bay duy nhất trên thế giới nằm cạnh bãi biển vì thế việc hạ cánh thường xuyên bị ảnh hưởng trực tiếp từ thủy triều.
Những sân bay lạ kỳ nhất hành tinh 2
Sân bay Catalina (Avalon, California, Mỹ) còn được gọi là sân bay trên trời với địa hình bao gồm những vách đá cao sừng sững.
Những sân bay lạ kỳ nhất hành tinh 3
Sân bay Courchevel (Pháp) được xem là sân bay nguy hiểm nhất thế giới khi đường băng chỉ ngắn 525m với những con dốc đứng.
Những sân bay lạ kỳ nhất hành tinh 4
Sân bay Gustaf III (St. Jean, Saint Barthelemy) sở hữu đường băng 640m uốn vòng lượn quanh đỉnh đồi.
Những sân bay lạ kỳ nhất hành tinh 5
Sân bay LA Guardia, New York bao quanh là đại lộ Bowery và Flushing. Các phi công rất áp lực vì thường xuyên phải đối mặt với giao thông đông đúc nơi đây.
Những sân bay lạ kỳ nhất hành tinh 6
Sân bay Princess Juliana (Philipsburg, Saint Maarten) là sân bay nổi tiếng nhất vùng biển Caribbean, nằm sát biển Maho. Máy bay hạ cánh chỉ cách chúng ta khoảng chừng chục mét.
Những sân bay lạ kỳ nhất hành tinh 7
Sân bay Queenstown (New Zealand) nằm bên dưới dãy núi Remarkables có độ dốc cao nên hành khách phải đối mặt với cảm giác hạ cánh đột ngột khá khó chịu.
Những sân bay lạ kỳ nhất hành tinh 8
Sân bay Stika Gutierrez (Alaska, Mỹ) nằm trên một hòn đảo nhỏ của Japonski với đường băng bị nước bao xung quanh.
Những sân bay lạ kỳ nhất hành tinh 9
Sân bay Tenzing Hillary (Lukla, Nepal) nằm trên đỉnh núi phủ tuyết Himalaya. Đường băng chỉ dài 457m chạy dọc theo sườn núi rất nguy hiểm.
Những sân bay lạ kỳ nhất hành tinh 10
Tại sân bay Toncontin (TegucigalpaHonduras), phi công chỉ được phép cất cánh khi máy bay quay 45 độ.

Xem Thêm »

Về Bình Phước nghe tiếng chày trên sóc Bom Bo

0 nhận xét


Vẻ thơ mộng của trảng cỏ Bù Lạch, cái bao la của vườn quốc gia Bù Mập, những tiếng chày giã gạo nhịp nhàng... là những nét duyên khó cưỡng khi bạn đến Bình Phước.
Di chuyển
Bằng phương tiện công cộng
Có thể bắt xe đi Bình Phước tại bến xe mỗi tỉnh. Nên tìm hiểu về thời gian xuất bến, giá vé, địa điểm, những địa danh lân cận bến xe trước khi đến. Khi đến thì thuê xe ôm đến các địa danh
Riêng Sài Gòn, có thể mua vé ở bến xe miền Đông. Giá vé dao động từ 100.000 – 250.000 đồng, tùy điểm đến và chất lượng xe.
Bằng phương tiện cá nhân (xe con hay xe máy)
Từ Sài Gòn, có hai hướng đi Bình Phước, một là từ cầu Bình Triệu, theo QL 13, hai là hướng cầu Sài Gòn ra xa lộ Hà Nội. Dự trù thời gian di chuyển khoảng 2 tiếng (110km).
Lưu ý khi di chuyển bằng phương tiện cá nhân nên mang theo đầy đủ giấy tờ xe, tuân theo quy định an toàn giao thông đường bộ.
Con người hiền hòa.
Đến vào mùa nào?
Vào mùa nắng di chuyển thuận tiện, ít vắt, ít muỗi… hơn song quang cảnh không đẹp hay hùng vĩ vào mùa mưa. Hình ảnh này có thể nhận thấy rõ nhất ở màn nước ở các ngọn thác, bức tranh bao la của trảng cỏ hay lượng thú rừng trong vườn quốc gia.
Khách sạn, nhà nghỉ
Giá khách sạn, nhà nghỉ ở Bình Phước dao động từ 100.000 – 500.000 đồng người. Bạn có thể tham khảo danh sách sau: Thiên Thanh, Vân Anh, Thanh Sang, Trúc Nga...
Có điều là hầu hết các nhà nghỉ, khách sạn đều khá xa các địa điểm tham quan nên gợi ý tốt nhất vẫn mang lều theo để cắm trại để vừa tiết kiệm, vừa thuận tiện. Riêng VQG Bù Mập có cho thuê lán.
Đặc sản Bình Phước
Vị thơm ngon của bánh hạt điều, béo béo, giòn tan của ve sầu sữa hay vị ngon lạ của các món ăn được chế biến từ thịt heo thả rông của sóc Bom Bo là những món ngon bạn không nên bỏ qua tại đây.
Ngoài ra, tùy thời điểm đến, độ may mắn hay lòng hiếu khách của chủ nhà, bạn còn có cơ hội thưởng thức đặc sản núi rừng gồm cá suối, đọt mây, lá nhíp…
Thiên nhiên tuyệt đẹp.
Các điểm tham quan
Đến Bình Phước bằng ô tô thong thả hơn song do đặc điểm về địa hình, xe máy lại là trợ thủ đắc lực để bạn khám phá nơi đây.
Đến Bình Phước không thể bỏ qua VQG Bù Mập, nơi có hệ thống động thực vật phong phú, quý hiếm và bức tranh rừng hoang sơ, hùng vĩ. Có điều, muốn khám phá VQG, bạn cần bỏ túi các lưu ý sau: nên liên lạc trước để BQL sắp xếp hướng dẫn viên hay thuê xe máy giúp (trường hợp bạn đến bằng ô tô, hay xe khách). Có hai tour để bạn chọn khám phá VQG là một vòng quanh vành đai (dài 142km) hoặc tắm suối, tắm thác, qua đêm trong rừng. Về thực phẩm, có thể mang theo lương thực hay dùng bữa ở căn tin, song nếu ở lại lán, buộc phải mang theo thức ăn.
Giá một số dịch vụ: Giá vé tham quan: 70.000đồng/khách. Hướng dẫn viên tham quan rừng: 200.000đồng/ngày. Giá phòng nghỉ: 200.000đồng/phòng/đêm. Giá đặt ăn uống tại căn tin: 25.000đồng/suất.


Bên cạnh khám phá VQG Bù Mập, bạn có thể khám phá hệ sinh thái rừng nhiệt đới ẩm thấp lớn nhất Việt Nam của Vườn quốc gia Cát Tiên, mạo hiểm trên cáp treo Bà Rá, thu vào tầm mắt vùng đất Bình Long hiền hòa, chinh phục hệ thống hang động kỳ thú và các suối nước thơ mộng.
Hoặc bạn có thể ghé hồ Suối Cam (thị xã Đồng Xoài), hồ Thác Mơ (huyện Phước Long), hồ Sóc Xiêm và hồ Suối Lam (huyện Đồng Phú) nằm dài trên cỏ, du thuyền trên hồ, thưởng thức các món ngon, hay thả mình trong cảm giác bao la ở trảng cỏ Bù Lạch hay chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp tại các thác nước hoang sơ, leo lên đồi Bằng Lăng ngắm thị trấn thác Mơ xinh đẹp nép mình dưới những rặng cây xanh. Ngắm hồ thác Mơ như dải lụa uốn quanh các khu vườn cao su, vườn cà phê rồi trải dài đến vô tận...
Những du khách yêu thích lịch sử, có thể khám phá những địa danh như sóc Bom Bo, Khu căn cứ Tà Thiết, Nhà giao tế Lộc Ninh, mộ 3.000 người, bia chiến thắng chốt chặn Tàu Ô - Xóm Ruộng (Bình Long)...
Mang gì khi đến Bình Phước?
Quần áo gọn gàng, dép, sandal hay giày để dễ di chuyển.
Mang theo áo mưa, kem chống muỗi, kem chống hay thuốc xức côn trùng.
Mang theo lều để cắm trại và quần áo để thay đề phòng mưa ướt.
Nếu đến các vùng sâu, nên mang theo tiền mặt vì khó tìm ra một máy ATM.
Nếu tham quan vành đai VQG Bù Mập nên mang theo một can xăng nhỏ phòng trường hợp xe hết xăng giữa đường.
Phải có ý thức bảo vệ rừng, giữ gìn vệ sinh môi trường.
Cấm chụp hình tại các khu vực gần đồn biên phòng.
Những cung dường du lịch thường gặp:
Sài Sòn - Bình Dương - Bình Phước - Tây  Ninh
Sài Gòn - Bình Phước - Đồng Nai
Sài Gòn - Bình Phước - Lâm Đồng

Xem Thêm »

Khám phá SaPa

0 nhận xét
SaPa là một điểm du lịch hấp dẫn dành cho mọi người 
Tháng 9 đến tháng 11 là quãng thời gian phong cảnh Sapa (tỉnh Lào Cai) vào độ đẹp nhất. Tiết trời dễ chịu, thiên nhiên và con người hòa như vào nhau, đẹp tựa bức tranh thủy mặc… Có thể nói, đó là những nét riêng ở Sapa đã níu chân du khách bấy lâu nay. Để không bỏ lỡ cơ hội khám phá thị trấn miền núi xinh đẹp này, và saiu đây là danh sách những điểm đến hấp dẫn nhất.
1. Chinh phục đỉnh Phan Si Păng – Nóc nhà Đông Dương
Phan Si Păng là ngọn núi cao nhất của bán đảo Đông Dương (3.143 m), nằm ở trung tâm dãy Hoàng Liên Sơn. Tuy chỉ cách thị trấn Sapa 9 km về phía Tây Nam, nhưng nếu đi bộ, leo núi bạn phải mất 6 đến 7 ngày mới chinh phục được đỉnh núi này. Hiện nay, rất nhiều nhà leo núi cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư tìm đường chinh phục đỉnh Phan Si Păng. Họ có thể đi theo tour của các công ty du lịch hoặc tự tổ chức với sự dẫn đường của dân địa phương, người dân tộc Mông, Dao (ở bản Cát Cát).
Đỉnh Phan Si Păng
Quảng cảnh Sapa hùng vĩ hiện ra từ đỉnh Phan Si Păng
Trên đường lên đỉnh núi, du khách sẽ được khám phá hệ động thực vật và thiên nhiên kỳ thú của dãy Hoàng Liên. Tại đó có rất nhiều cây Hoàng Liên, một loại dược liệu quý, các loại gỗ quý, chim thú như gà gô, gấu, khỉ, sơn dương, các loài chim…
2. Núi Hàm Rồng
Núi Hàm Rồng - Sapa
Trên núi Hàm Rồng có rất nhiều loài hoa khoe sắc, đặc biệt là hoa Lan
Núi Hàm Rồng nằm ngay sát ngay thị trấn Sapa, cách 3 km, du khách có thể đi bộ đến đó. Đứng trên đỉnh núi Hàm Rồng, bạn được ngắm toàn cảnh Sapa, thung lũng Mường Hoa, Sa Pả, Tả Phìn ẩn hiện trong sương khói. Hiện nay, với bàn tay tôn tạo của con người, Hàm Rồng thực sự là một thắng cảnh đầy hoa trái của Sa Pa. Lên Hàm Rồng, du khách như lạc vào vườn tiên, mây ùa kín thân người, hoa rực rỡ mặt đất.
3. Nhà thờ cổ Sapa
Nhà thờ cổ Sapa
Nhà thờ cổ tại trị trấn Sapa mù sương
Tọa lạc ngay trung tâm thị trấn Sapa, nhà thờ Đá sapa được xây dựng từ năm 1895 được coi là một dấu ấn kiến trúc cổ toàn vẹn nhất của người Pháp còn sót lại. Nhà thờ đã được tôn tạo và bảo tồn, trở thành một hình ảnh không thể thiếu khi nhắc đến thị trấn Sa Pa mù sương.
4. Bản Cát Cát
Bản Cát Cát, Sapa
Đồng bào dân tộc tại bản Cát Cát
Đây là một bản lâu đời của người Mông, cách trung tâm thị trấn Sa Pa 2km. Nơi đây còn lưu giữ nhiều nghề thủ công truyền thống như trồng bông, lanh, dệt vải… Bản Cát Cát ở gần thị trấn Sapa nên thu hút rất đông du khách ghé thăm. Hiện nay nơi đây đã được xây dựng thành khu du lịch Cát Cát.
5. Bản Tả Phìn
Bản Tả Phìn, Sapa
Khách du lịch cùng đồng bào dân tộc tham gia nhảy sạp tại nhà cộng đồng Tả Phìn
Bản Tả Phìn thuộc huyện Sa Pa, cách trung tâm thị trấn Sa Pa khoảng 17km về hướng Đông. Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của người Dao Đỏ với nghề thổ cẩm nổi tiếng. Đến bản Tả Phìn, bạn có thể ghé thăm hang động Tả Phìn ngay gần đó. Trong hang có nhiều nhũ đá tạo nên những hình thù kỳ thú như hình tiên múa, đoàn tiên ngồi, cánh đồng xa, rừng cây lấp lánh…
Ngoài ra, còn rất nhiều bản làng của đồng bào dân tộc để bạn ghé thăm khi du lịch Sapa như: bản Tả Van – của đồng bào người Mông, Giáy, Tày, Dao đỏ…; bản Ý Linh Hồ, bản Lao Chải – người H’mông đen (cách khoảng 7km về phía Tây Nam của thị trấn Sapa, cạnh suối Mường Hoa); bản Hồ của đồng bào Tày; bản Lao Chải của đồng bào H’mông đen (cách 8-9 Km về phía Đông Nam thị trấn Sapa, trên bờ phía Tây của sông Mường Hoa); bản Hồ của người Xá Phó…
6. Thung lũng mường Hoa – Bãi đá cổ Sapa
Thung lũng mường Hoa
Thung lũng mường Hoa với những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ
Thung lũng Mường Hoa thuộc xã Hầu Thào, cách thị trấn Sa Pa khoảng 8km về phía Đông Nam. Từ thị trấn Sa Pa, vượt qua một con đèo men theo dãy núi cao (có trạm thu phí 80.000 VND/người), bạn sẽ đến thung lũng Mường Hoa. Điều đặc biệt tại thung lũng này là bãi đá cổ có khắc nhiều hình khác nhau, nằm xen giữa cỏ cây và những thửa ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc. Hàng trăm tảng đá sa thạch có khắc những hình vẽ, những ký tự kỳ lạ đến nay vẫn chưa xác định được nguồn gốc và ý nghĩa. Ngày nay, khu chạm khắc cổ này đã được xếp hạng di tích quốc gia, là di sản độc đáo của người Việt cổ. Tại thung lũng Mường Hoa còn có con suối nhỏ xinh đẹp trải dài khoảng 15 km, qua các xã Lao Chải, Tả Van, Hầu Thào và kết thúc ở Bản Hồ.
7. Thác Bạc – Đỉnh Đèo
thác Bạc, Sapa
Thác Bạc là thắng cảnh rất nổi tiếng tại Sapa
Từ thị trấn Sa Pa, đi về phía Tây khoảng 12km trên đường đi Lai Châu, ta sẽ gặp Thác Bạc ào ào chảy xuống từ độ cao trên 200m vào dòng suối dưới thung lũng Ô Quy Hồ, tạo nên âm thanh núi rừng đầy ấn tượng. Tuy nhiên vào mùa xuân du khách nên cân nhắc trước khi tham quan Thác Bạc vì khi ấy thác rất ít nước. Đi thêm 3 km nữa từ Thác Bạc là du khách đến với địa danh Đỉnh Đèo. Nơi đây có tầm nhìn tuyệt đẹp lên Phan Si Păng, dưới sâu là con đường độc đạo đi sang Bình Lư.
8. Cổng trời
Cổng trời, Sapa
Lên cổng trời để được ngắm phong cảnh núi non hùng vĩ…
Ra khỏi thị trấn Sapa, đi theo hướng Bắc khoảng 18 km, đường lên cổng trời ngoằn ngoèo uốn lượn giữa lưng chừng núi trùng trùng điệp điệp. Con đường đèo này có tên là Trạm Tôn, len lỏi giữa dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Và cổng trời chính là đỉnh của con đèo này. Đứng giữa cổng trời Sapa, bạn có thể phóng tầm mắt bao quát cả thung lũng rộng lớn phía dưới với những ruộng nương xanh rì, con đường ôtô xuôi ngược, xa xa là Thác Bạc. Cũng ở cổng trời này bạn mới cảm nhận được vẻ kiêu hùng của đỉnh Phan Si Păng vời vợi lưng trời, bên dưới là những vực sâu thăm thẳm.
9. Thắng cảnh Hang Tiên
Hang Tiên, Lào Cai
Hang Tiên được coi như Hạ Long thu nhỏ của Lào Cai
Ngược dòng sông Chảy khoảng 6 km, từ trung tâm xã Bảo Nhai (huyện Bắc Hà) thuyền sẽ đưa bạn qua thành cổ Trung Đô với nhiều huyền thoại. Dòng sông Chảy đến đây thắt lại tạo thành dòng sâu, hiền hoà, len lỏi giữa hai bờ vách thành dựng đứng. Thắng cảnh Hang Tiên là một Hạ Long thu nhỏ, gắn liền với sự tích về miếu thờ Ba Cô xã Bảo Nhai. Nhiều du khách đến đây vãn cảnh, tắm suối Tiên đắm mình trong ánh ban mai bên đảo hoa, đều cầu mong được ban phúc cho sắc đẹp, sức khỏe và phú quý.
10. Cốc San
Động Cốc San, Lào Cai
Động Cốc San, Lào Cai
Tọa lạc tại xã Cốc San, huyện Bát Xát, cách thành phố Lào Cai khoảng 7km, Cốc San là một hệ thống các thác nước và các hang động to nhỏ khác nhau. Từ quốc lộ 4D, có một con đường đất nhỏ dài khoảng hơn 1km dẫn vào Cốc San. Đường vào Cốc San rất ngoằn ngoèo, tối và bị lấp bởi những tảng đá, vẻ đẹp của Cốc San vẫn hoàn toàn mang tính chất tự nhiên, hoang sơ. Có một điều rất đặc biệt là hầu như ở mỗi gầm một con thác, sau làn nước đổ từ trên cao xuống lại có một hang động. Phong cảnh Cốc San hài hoà và khoáng đạt. Mọi người mỗi khi đến đây đều cảm nhận được sự huyền bí diệu kỳ toát lên từ những ngọn thác, những mô đá và những hang động

Xem Thêm »

Vẻ đẹp ngoạn mục của núi lửa Klyuchevskaya Sopka

3 nhận xét
nui-lua-Klyuchevskaya-Sopka du-lich-nga 24092012 01
Du lịch Nga - Klyuchevskaya Sopka là ngọn núi lửa cao nhất Châu Á –Thái Bình Dương. Ngọn núi này trở thành di sản của thế giới bởi vẻ đẹp, sức mạnh và quang cảnh của nó. Ở độc cao 4750m so với mục nước biển ngọn núi lửa Klyuchevskaya sừng sững như là sự thử thách của thiên nhiên đối với con người, những ai muốn chinh phục nóc nhà nước Nga.
Ngọn núi Klyuchevkaya được xem là nơi cư ngụ của thần lửa Volkov và  mang một ý nghĩa thiêng liêng đối với dân địa phương. Bởi chính nơi đây theo quan niệm của họ là tâm của thế giới, nơi mà thế giới được tạo ra bởi vị thần Volkov, thần tạo ra thế giới. Theo họ thì khi tạo ra một thế giới, vị thần Volkov đã lựa chọn nơi đây để sáng tạo ra một thế giới mới theo quan niệm của thần và công cuộc tạo ra thế giới ấy chưa hoàn thành vì thế mà tại sao ngọn núi vẫn còn hoạt động liên tục là vì thế.
nui-lua-Klyuchevskaya-Sopka du-lich-nga 24092012 02
Klyuchevkaya đã mê hoặc biết bao nhiêu người bởi vẻ đẹp mê hồn và dáng hùng vĩ của nó. Với kiểu dáng hình chop nón, dốc của ngọn núi lửa hình nón tháp đối xứng trực 100km về phía biển Bering đã vô tình tạo nên hình dáng rất ngoạn mục nhìn từ nơi xa.
nui-lua-Klyuchevskaya-Sopka du-lich-nga 24092012 04
NƠI Ở CỦA THẦN
Đẹp là vậy hấp dẫn là vật thế nhưng ngọn núi Klyuchevkaya không phải là nơi an toàn cho những cuộc dạo chơi. Nằm trên bán đảo Kamchatska của Liên bang Nga, ngọn núi lửa này giống như một con rồng đang nằm yên giấc nồng nhưng nếu bị chọc giận thì con rồng ấy có thể phun lửa bất cứ lúc nào. Lần phun trào đầu tiên được ghi nhận là vào năm 1679 với sức mạnh công phá và phun trào dung nham dữ dội…và từ đó đến ngày nay, ngọn núi lửa phun trào theo các chu kỳ của mình. Chu kỳ phun trào mạnh mẽ gần đây nhất là vào năm 2007, bắt đầu từ tháng giêng ngọn núi đã bắt đầu đợt phun trào của mình và đỉnh điểm của nó là vào ngày 28 tháng 6, nó thổi vào không trung một cột tro bụi cao hơn 32 ngàn feet trước khi trôi dạt về phía tây gây gián đoạn toàn hộ hệ thống giao thông hàng không từ Mỹ đến Châu Á.
nui-lua-Klyuchevskaya-Sopka du-lich-nga 24092012 03
CHÓP NGỌN NÚI LÀ MỘT HỐ BĂNG KHI CHƯA PHUN TRÀO

nui-lua-Klyuchevskaya-Sopka du-lich-nga 24092012 05
SỰ GIẬN DỮ CỦA THẦN LỬA
Chính bởi vẻ đẹp quá ngoạn mụa của mình mà ngọn núi Klyuchevkaya đã thu hút khá nhiều thám hiểm và leo núi, cuộc chinh phục đầu tiên là vào năm 1788, bởi Daneil Gauss và hai thành viên đoàn khác. Từ đó mãi đến năm 1931 lịch sử khám phá Klyuchevkaya Sopka mới được ghi nhận thêm khi nhiều nhà leo núi đã thiệt mạng bởi nham thạch phun trào bất ngờ vào năm 1931, từ đó đến ngày nay ngọn núi được xếp vào khu vực nguy hiểm hạn chế leo núi.
nui-lua-Klyuchevskaya-Sopka du-lich-nga 24092012 7
MỘT NHÀ LEO NÚI VUI MÌNH KHI CHINH PHỤC NGỌN NÚI

nui-lua-Klyuchevskaya-Sopka du-lich-nga 24092012 06
NƠI CHỈ CÓ GIÓ, TUYẾT VÀ MÂY BẦU BẠN
Mặc dù đối với nhiều người Klyuchevkaya gắn liền với sự chết chóc, lửa và khói nhưng ở một khía cạnh nào đó Klyuchevkaya sở hữu một cảnh quan một vẻ đẹp trời phú đáng tự hào. Hãy ngắm vẻ đẹp đó như một bức tranh mà núi lửa Klyuchevkaya đã may mắn sở hữu. 
nui-lua-Klyuchevskaya-Sopka du-lich-nga 24092012 08
KLYUCHEVSKAYA CŨNG CÓ LÚC ĐẸP DỊU DÀNG
Klyuchevkaya xứng đáng là một di sản thế giới, món quà thiên ban tặng cho người dân Nga.



Xem Thêm »

NHỮNG MÓN NGON KHÔNG THỂ CƯỠNG LẠI KHI ĐẾN VỚI BÌNH ĐỊNH

0 nhận xét


Bún riêu cua vị sông Kôn

Bún riêu cua Quy Nhơn mang hương vị phù sa của dòng sông Kôn, của những cánh đồng lúa bạt ngàn, gợi nhớ tuổi thơ, nhớ cái phong vị dân dã, mộc mạc quê nhà vào mùa lúa chín… Để có món riêu ngon, người đầu bếp phải dụng công rất nhiều. Đầu tiên, cua được cho vào cối đá giã nhuyễn. Quết xong người ta đưa lên rổ lược, ta có loại nước cua sền sệt, vàng vàng, trên mặt nổi những váng mỡ loang loáng. Chừng ấy cũng đủ hấp dẫn. Nước cua được trộn với trứng gà đánh nhuyễn thêm một ít bột ngọt, đường, muối, tiêu, ớt. Đun một nồi nước sôi già đổ hỗn hợp này vào ta có nồi nước riêu thơm. Chừng dăm phút nước riêu đã kết đặc lại thành từng mảng màu nâu vàng chỉ cần một đôi đũa, xắn nhẹ là riêu vỡ ra theo ý bạn. Lạ và ngon hơn khi có  thêm rong câu. Thưởng thức một lần món riêu cua ngon, đậm đà, với những mảng riêu kết đặc màu nâu, vàng thơm đặc biệt, chắc chắn dư hương sẽ còn đọng mãi. Ăn bún riêu cua nhất thiết phải kèm rau ghém, gồm đủ các loại: bắp chuối thái rối, tía tô, rau răm, giá đậu, xà lách xanh non, rau thơm… Vào những ngày mưa, ngoài trời mưa sụt sùi, ngồi bên nồi bún riêu bốc khói tỏa hương là thấy ấm áp tình quê rồi.

Chả cá Quy Nhơn

Chả cá được làm từ những con cá thu mập mạp, bóng bẩy, thịt ngọt và đầy đủ dưỡng chất. Bí quyết của những người làm chả ngon là thêm vào hỗn hợp thịt cá một ít hành lá, thì là bằm nhuyễn để tạo nên vị thơm cho chả. Công đoạn từ quết thịt đến đánh thành bánh chả hết sức công phu, đòi hỏi người thợ phải khéo léo, vừa nhanh vừa đều tay để miếng bánh chả láng mịn, tròn dày vừa phải. Bánh chả làm xong được chiên hoặc hấp tùy theo sở thích. Chả chiên dai dai, giòn giòn, dậy mùi thơm từ thịt cá, vị cay nồng của tiêu sọ, kích thích vị giác của bất kỳ thực khách nào. Chả hấp thanh đạm hơn, ít dầu mỡ, lại có thêm lớp trứng tráng mỏng, vàng ươm trên bề mặt. Cắn miếng chả chiên vừa mịn,  vừa mềm, vừa dai nhưng không quá béo. Chấm miếng chả cá hấp nóng hổi vào tương ớt, kèm theo vài lá rau thơm, vị thơm, vị ngọt của cá như tan trên đầu lưỡi. Người ăn sẽ ngỡ ngàng nhận ra, đằng sau sự khiêm nhường và bình lặng ấy là cái nồng nàn của vị biển.
Chả cá ngon là nguyên liệu cho món bún chả cá nổi tiếng đất Quy Nhơn. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa chả cá, sợi bún, nước lèo và nước chấm. Sợi bún nhỏ đánh lừa cảm giác rằng bạn ăn chưa nhiều và muốn ăn thêm nữa, nước lèo được nấu từ xương và đầu cá thu, trong veo, ngọt tự nhiên, không tanh, có mùi thơm của củ hành tím đã nướng qua lửa và vị thanh thanh của đường phèn. Chả cángon đã đành, lại thêm nước lèo ngọt đậm hầm từ xương cá với măng le, và nấm rơm; đến cả dĩa rau sống được chăm chút, một sự hòa trộn màu sắc rất bắt mắt bởi màu xanh non của xà lách, màu trắng nõn những cọng bắp chuối, xanh đậm của rau răm, húng, quế, rau ngò, tim tím của tía tô tim tím, trắng ngà viền tím của bắp chuối xắt, màu xanh ngọc của cọng rau muống được chẻ mỏng và cả chút ớt tương đỏ... khiến món bún nhìn đã thấy hấp dẫn không thể cưỡng. 

Nem chợ huyện

"Ai về Vĩnh Thạnh quê em/Ăn nem chợ Huyện, đêm xem hát tuồng”. Theo kinh nghiệm gia truyền của các nhà sản xuất, nem ngon là nhờ vào cách chế biến công phu nhưng yếu tố chính vẫn là thịt heo. Thịt, phải là thịt heo cỏ 6-8 tháng tuổi, cân nặng chừng 60kg trở lại. Heo có thịt săn nhiều nạc, màu đỏ sẫm. Thịt nạc phải săn, tươi, được cắt theo chiều ngang thớ thịt chừng 3cm, thái nhỏ, để ráo nước rồi mới cho vào cối quết. Thợ làm nem là những người trai lực lưỡng. Muốn thịt được nhuyễn, dai, giòn, người thợ phải quết liên tục, không có quãng thời gian ngừng tay lâu, chỉ dừng lại khi thịt đã “chín”. Mỗi cối thịt chỉ nặng chừng vài ký. Trong lúc quết, họ còn cho thêm đường và muối theo một tỷ lệ chính xác. Khi thịt đã chín, nhuyễn người ta cho tiêu hạt và da heo đã xắt nhỏ như con bún, hoặc như hạt lựu.
Nem chợ Huyện có vị ngon rất riêng và độc đáo: Không mềm như nem Thủ Đức, cũng không ngọt như nem Lai Vung, nem An Cựu. Khi ăn, lột bỏ hai cuộn lá chuối bên ngoài, rồi đến lớp lá ổi bên trong, ruột nem hồng hồng hiện ra xinh xắn đã thấy nước miếng tứa ra chân răng. Cắn một miếng, ta cảm nhận ngay vị dai dai, sần sật, chua chua, giòn giòn, vị ngọt thanh khó diễn tả. Nem tươi có mùi vị thơm lựng sau khi được nướng than, ăn kèm với rau mùi, tía tô, rau răm, chuối, khế xắt nhỏ, dưa leo, nước chấm (hoặc xì dầu) và vài múi tỏi, trái ớt. Nhưng, nem chợ Huyện cuốn với bánh tráng cùng rau mùi mới là món “đắm say lòng người". Người ta gọi món này là bánh cuốn, trong đó nem là món chủ đạo. Tuốt một xâu nem bỏ vào lòng bánh tráng, thêm chút rau, vài cuốn chả ram (chả giò), rồi quấn chặt lại. Lúc này, tô nước chấm mới quyết định người ăn ghiền đến mức nào. Càng ăn càng ghiền, thực khách đánh chén đến căng bụng mới thôi.

Bánh xèo Mỹ Cang

Khác với bánh xèo xứ Huế, chất liệu tạo ra bánh xèo Bình Định khá khiêm tốn nhưng hương vị không kém phần đặc trưng, hấp dẫn. Chất liệu chính làm ra bánh xèo chỉ có gạo, tôm, thịt bò, giá sống và một vài loại rau bản địa. Gạo phải được xay từ loại lúa ở cánh đồng khu Đông. Tôm phải là loại tôm đất sống nước lợ ở đầm Thị Nại. Nước chấm phải được pha chế từ loại nước mắm nguyên chất... Đổ bột vào khuôn xong, công đoạn thứ hai là chọn những con tôm đất hoặc tôm biển (trên 10 con) còn tươi roi rói nhảy lách tách trong rổ, rải tròn vào chiếc khuôn bánh đang trên lò than. Có nơi cầu kỳ cho thêm vài lát thịt bò thưng trông rất ngon mắt. Cuối cùng là hành hoa, hành tây xắt mỏng, giá đỗ và một ít nấm rơm bỏ vào giữa khuôn gọi là nhân. Đậy nắp khuôn lại... Bếp lửa hồng, tiếng nổ lách tách của những hòn than đỏ rực, tiếng reo "xèo xèo" của dầu mỡ khi tiếp xúc với lớp bột gạo lỏng sền sệt... sẽ làm lòng người ấm lại và như muốn cùng reo vui. Chừng 5 phút sau dỡ nắp ra và chờ bánh vàng giòn đều mặt dưới! Hơi nóng và mùi thơm tỏa ra ngùn ngụt làm ta phải háo hức, chỉ mong bà chủ nhanh bê bánh ra để thưởng thức. Mỗi đĩa thường thì chỉ bỏ được hai bánh. Chiếc bánh được tán mỏng, nổi rõ những con tôm đất tròn mẩy, hươm vàng. Ăn kèm với bánh xèo ở đây là bánh tráng gạo nguyên chất, dùng để cuốn với rau sống, một ít xoài và dưa leo xắt mỏng. Bên cạnh là chén nước mắm được giã đầy đủ ớt, tỏi, chanh, đường. Món ăn có hấp dẫn hay không còn tùy thuộc cách chế biến loại nước chấm này. Ta có thể nhúng ướt nửa cái bánh tráng, đặt bánh xèo lên trên kèm một ít rau sống, gia vị... rồi cuốn chặt lại. Chấm vào chén nước mắm vàng ươm ngọt ngào hương vị miền biển rồi rứt từng miếng cho vừa miệng mà thưởng thức. Chao ôi! Cái ngọt của tôm tươi, cái giòn giòn của gạo đủ lửa và một chút chua, chát của xoài và chuối chát, quyện tất cả lại thành một món ăn vô cùng hấp dẫn. Thưởng thức bánh giữa khung cảnh làng quê dung dị, yên bình, lòng chợt thấy thảnh thơi lạ kỳ.

Bánh hỏi Diêu Trì 

Bánh hỏi là đặc sản của Bình Định, thịnh và ngon nhất là ở Diêu Trì (Tuy Phước). Gạo tám thơm được vo kỹ, ngâm nước một đêm. Vớt gạo đem xay nhuyễn bằng cối đá - thứ cối đá Diêu Trì. Bỏ gạo vào họng cối, quay cối, cứ dăm ba vòng lại thêm một ít nước để cối khỏi "nghẹn". Bột nước là một hỗn hợp nước sền sệt. Bột nước cho vào bao vải khô, "đăng" cho ráo nước. Đem hấp bột vừa đủ chín, nhồi và chia bột thành từng khối chừng nửa ký gọi là "giảo" bột đưa vào khuôn ép thành bánh. Bánh được hấp vừa đủ chín. Nhìn những miếng bánh trắng muốt, ươn ướt mỡ đã thấy ngon. Nhưng chưa đủ. Bánh còn được rắc thêm lá hẹ. Hẹ màu xanh lục điểm trên bánh khiến bánh trở nên hấp dẫn hơn. Bánh hỏi thường được ăn kèm với thịt heo, bánh tráng và các loại rau thơm, nước mắm, tạo thành món ăn mang đầy đủ hương vị chua, cay, ngọt, béo, thơm ngon vô cùng. Phải chăng đó là nghệ thuật?

Vào một quán bánh hỏi ở Diêu Trì, khi gọi món này là bạn sẽ được thưởng thức thêm hai món nữa, đó là cháo và lòng. Đây chính là nét đặc biệt của bánh hỏi Diêu Trì. Cháo khá loãng, nấu bằng huyết ninh với thịt nạc băm. Cháo vừa ngọt lại vừa loãng, thơm. Cháo là món đưa "trơn" mà không cần dùng rượu. Cạnh là đĩa lòng heo. Lòng được chế biến rất khéo, có lẽ không nơi nào bằng. Những miếng gan dày, miếng dồi màu nâu, khoanh tròn bên cạnh những miếng tim deo dẻo, miếng cổ dai dai giòn giòn, và cả miếng bầu dục mong mỏng. Những thứ này ăn kèm với bánh hỏi, khiến bánh hỏi trở nên béo bở, ngon ngọt khác thường. Thỉnh thoảng húp một muỗng cháo lòng - Thỏa như "uống rượu mà không say".

Cá chua Phù Cát 

“Giàu nghèo một lẽ cá chua Biết đâu thắng, biết đâu thua hỡi mình”.  Gọi cá chua không phải vì thịt của chúng có vị chua hay chúng sống trong môi trường nước chua. Đến nay vẫn chưa có ai biết được nguồn gốc và tên thật của giống cá này. Theo nhiều ngư dân, tên "chua" là biểu thị của sự gian khổ (chua cay, chua chát…) trong việc đánh bắt cá bột và nuôi cá trong ao, hồ. Đó là những công việc rất vất vả cộng với tâm trạng nơm nớp lo âu từng ngày, không biết "trắng tay" lúc nào. Cá chua là giống cá được sinh ra trong bọt biển thì cũng dễ tan như bọt biển. Nó sinh trưởng tự nhiên trong môi trường nước lợ. Vùng cửa biển Đề Gi (Cát Khánh - Phù Cát) có điều lạ là nước biển có độ mặn thấp hơn so với các nơi khác trong khu vực, thậm chí dù chỉ cách nhau vài cây số. Vào mùa hè, nước trong đầm Đạm Thủy (đầm Đề Gi) cạn dần, nước biển theo thủy triều tràn ngược lên đầm, biến nơi này thành một vùng nước lợ rộng lớn. Trong những đám bọt biển nổi lềnh bềnh sát cửa biển có hàng triệu con cá nhỏ li ti bằng đầu chiếc kim khâu, trong suốt, chỉ phân biệt được nhờ hai chấm nhỏ đen đen của hai con mắt trên đầu. Chúng nổi trên mặt nước ẩn dưới lớp bọt. Đó là những chú cá chua bột. Người đánh bắt cá chua bột ngâm mình trong nước mặn, dưới cái nắng hè như đổ lửa, cho đến khi nào đạt yêu cầu mới thôi. Cá bột được nuôi trong ao, hồ nhỏ chừng hai tuần tuổi cho cứng cáp rồi mới thả ra ao nuôi chính. Nuôi cá chua cũng là nghề gian nan, phải theo dõi, chăm sóc hàng ngày. Khi gần ngày thu hoạch, người nuôi nơm nớp lo không biết trời mưa lúc nào, mưa lớn hay nhỏ, mưa vào ban ngày hay ban đêm, nếu để sơ sẩy thì bao công lao sẽ trở thành công cốc.

Cá chua có quanh năm, nhưng chất lượng cá ngon nhất và độ mùa xuân - hạ, và độ tuổi chừng 4 - 5 tháng. Thịt rất thơm ngon, càng nhai kỹ càng cảm nhận nhiều vị ngọt của miếng cá. Cá còn nhỏ thì chất thịt chưa thật đậm đà, nhưng da cá và phần đầu lại rất quyến rũ. Cá già có phần da hơi cứng, nhưng thịt thì săn chắc, ngon hết chỗ chê. Cá chua được chế biến thành nhiều món: cá chua hấp, cá chua nấu lá giang, cá chua nấu mẳn (chỉ nấu với nước và hành, không phụ thêm gia vị), nhưng thú vị nhất là nướng lá chuối ăn kèm muối ớt tươi.  Nếu được một lần thưởng thức, hầu như ai cũng phải xuýt xoa khen ngon, có thể ăn mãi mà không chán miệng bao giờ. Có lẽ, thực khách chỉ ngừng ăn khi phải gỡ xương dăm, những sợi xương mềm như sợi cước. Phải chăng, đó là “điểm yếu” của con cá chua ngọt ngào? Trong tiết hè oi ả, bên bãi biển mát rượi, quây quần bên nhau vừa ăn các món cá chua vừa trò chuyện, thỉnh thoảng nhấp vài ly Bầu Đá thì còn gì tuyệt bằng!

Rượu Bàu Đá 

Rượu Bàu Đá là sự cộng hưởng của nhiều nhân tố. Đầu tiên đó là sự thừa hưởng dòng nước ngọt ngào của ngọn nguồn sông Kôn được ủ lạnh, lọc trong từ những hộc đá ngầm ở Vực Bà, Nước Miên, Nước Trinh, sông Kxôm, Hầm hô... Tiếp đến là sự khéo léo, cần mẫn của con người vùng “đất võ trời văn”. Sự cộng hưởng giữa thiên nhiên và tài hoa con người đã tạo nên thứ rượu đậm đà.
Rượu Bàu Đá (còn gọi Bầu Đá) có nồng độ rất cao, hơn 50 độ, uống nhanh say nhưng say rồi không thấy mệt. Muốn có rượu ngon, người nấu phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt về nguồn nước, gạo, men, dụng cụ nấu, cộng với kinh nghiệm gia truyền. Chỉ nguồn nước sông Kôn ngọt ngào mới cho ra loại rượu ngon, thơm và uống có hậu ấy (giới uống rượu dùng từ này chỉ cho loại rượu uống xong còn ngòn ngọt ở cổ). Khi nấu rượu, không dùng nồi nhôm mà dùng nồi đồng, nắp đậy nồi bằng đất nung; cất rượu bằng ống tre. Khi chưng cất không được vội vàng, phải dùng lửa liu riu mới vắt cạn được tinh chất gạo.
Thưởng lãm rượu Bàu Đá cũng cầu kỳ lắm lắm; Rượu trong bầu, chai, nậm phải rót ra bình gọi là ve vòi, cái ve vòi đựng rượu có câu đố dân gian rằng:
Thượng tiểu, hạ đa (Trên nhỏ, dưới to)
Tích thủy, phi thủy (Đựng nước nhưng không phải nước)
Thọ thai, bất thọ thai (Chửa nhưng không phải chửa)
Rót rượu ra chén cũng có kiểu, có cách: Ve vòi giơ cao, rót dòng rượu nhỏ ra chén hạt mít sao cho có tiếng kêu róc rách, vun bọt nhưng rượu không được tràn ra miệng chén. Rượu nước đầu trong vắt, rót sủi tăm, ực một cái thấy thót cả người, vừa cay, vừa ấm, vừa nồng, chạy đến đâu biết đến đó, như một luồng điện từ cổ xuống bụng và lan nhanh ra các mạch máu toàn thân. Rượu mới nấu nóng hôi hổi uống vào càng tuyệt. Có một điều lạ, dù có say ngất ngư, bạn có thể ngủ một giấc đến sáng mà không nhức đầu. Ca dao Bình Định có câu: "Rượu ngon Bầu Đá mê li/ Gặp nem chợ Huyện bỏ đi sao đành?".
Rượu Bầu Đá không chỉ là rượu để nhậu mà còn là rượu lễ, rượu mừng không thể thiếu được trong các đám cưới, đám tang, đám giỗ. 

Bún Song thằn

"Nón ngựa Gò Găng/ Bún song thằn An Thái/ Lụa đậu tư Nhơn NgãiXoài tượng chín Hưng Long". Sở dĩ có tên gọi "song thằn" vì khi làm bún, người ta thường bắt dây bún từng đôi một. Nhiều người đọc trại thành bún "song thần". Bún song thằn nổi tiếng vì có hương vị thơm ngon đặc biệt và có giá trị dinh dưỡng cao vì làm từ đậu xanh. Đậu xanh đem phơi nắng cho thật khô rồi đem ngâm nước lạnh độ 24 giờ cho nở đều mới đem xay. Việc xay bột là cả một nghệ thuật đòi hỏi kinh nghiệm lâu năm trong nghề. Lúc xay phải tốn thật nhiều nước để cho bột lắng qua nhiều đợt, vì vậy mà việc xay bột phải dùng đến nước sông mới xuể, và phải là nước sông Kôn thật trong và mát. Tương truyền các vua triều Nguyễn triệu thợ bún An Thái ra kinh đô Huế làm bún Song thằn nhưng không thành công vì nước sông Hương khác với nước sông Kôn (?). Trung bình 5 kg đậu sau nhiều lần xay, đãi, lắng lọc mới được 1,2 kg bột và làm thành 1kg bún, bởi vậy giá thành rất cao nên không thông dụng. Để bún được ngon, người thợ nhào bột cho đều với nước lạnh. Cái khó nhất là khâu nhào bột làm sao cho vừa, không khô mà cũng không nhão.  Bún song thằn thường dùng để nấu với tôm, thịt nạc, ăn ngọt và mát. Hãy đến An Thái, thưởng thức tại chỗ một tô bún nấu với lòng gà và mua một vài kg làm quà giới thiệu đặc sản quê hương.

Bánh ít lá gai

"Muốn ăn bánh ít lá gai/Lấy chồng Bình Định sợ dài đường đi.." Bánh ít là món bánh rất Bình Định - từ cách làm đến hương vị đều rất riêng. Bánh có hình nón, đáy vuông, sắc cạnh, nhọn lên tới đỉnh. Nếu có vài chiếc bánh đặt trong đĩa ta có thể tưởng tượng đó là những cụm tháp Chàm cổ kính sừng sững trên chỏm núi của vùng đất An Nhơn - đó là cách nhìn của họa sĩ. Nếu nhìn dưới đôi mắt của người bình thường thì đó là đôi nhũ hoa của thiếu nữ nên ca dao Bình Định có câu: "Gặt rồi em đứng chờ ai?/Mang chi đôi bánh lá gai đẫy đà". Bánh được gói bằng lá chuối tơ, mướt dịu và đen như mái tóc thiếu nữ. Nguyên liệu làm bánh ít lá gai lại rất dễ tìm ở vùng quê Bình Định. Hái một ít lá gai luộc chín, giã nhuyễn, cho thêm bột nếp tươi đã vắt ráo nước và đường cát vào giã, trộn đều là xong phần bột bánh. Phần nhân, ngoài đậu xanh và đường phải có dừa khô nạo cơm mới đúng "gu". Đậu xanh xay bửa đôi, ngâm đãi sạch vỏ, hạt lép, hấp chín sau đó cà thành bột. Cùi dừa xanh sò thành sợi, cho vào chảo bắc lên bếp lửa than cháy liu riu, sên với đường cát đến khi đường tới, dẻo quánh đũa thì cho bột đậu xanh vào. Liên tục đảo đũa đến khi nhân có màu vàng sẫm, khô rời, mùi thơm bốc lên ngào ngạt, vo viên được là vừa. Nhắc khỏi bếp, chờ khi nhân gần nguội, cho thêm nước muối và gừng để nhân ngọt dịu và dậy mùi. Vỏ bánh đen nhánh, bọc kín lấy nhân, khi ăn thật dẻo, thật mịn mà không dính răng. Ngoạm một miếng, ngậm mà nghe chút đắng của lá, cảm vị ngọt của đường, vị thơm của nếp, vị béo của dầu, vị bùi của đậu, hương cay nồng của gừng, mới thấy thấm cái hồn của ẩm thực quê hương.

Cua huỳnh đế Tam Quan

Cua huỳnh đế là đặc sản của vùng biển Tam Quan và Ðề Gi (Bình Ðịnh), được ngư dân tôn xưng là vua của các loài cua. Với bộ áo giáp dày và cứng, màu vàng rực như hoàng bào, li ti gai nhọn xuôi theo thân, que và càng to, cạnh sắc lẻm như dao, nó xứng đáng được gọi là loài cua mang chữ “đế”. Ðặc biệt, đầu cua dài và có nhiều râu... Bạn muốn thưởng thức cua Huỳnh đế? Câu trả lời là "không dễ!". Chẳng phải do ví tiền mà cái chính là vì sự hiếm hoi của nó. Theo kinh nghiệm của ngư dân, cua Huỳnh đế chỉ xuất hiện nhiều ở vùng biển Tam Quan (Bình Định), Tuy Phong (Bình Thuận), Sa Huỳnh (Quảng Ngãi). Những vùng biển sạch, có đáy cát vàng và nguồn nước trong xanh mới "quyến rũ" được loại cua mang thương hiệu "vua" đến trú ngụ và sinh trưởng. Cua Huỳnh đế chỉ rộ nhất vào mùa xuân, khoảng từ tháng 12 đến tháng 3 âm lịch. Có thể nói thịt cua huỳnh đế thơm ngon, bổ dưỡng vào loại “quán quân”. Vì thế, ngày xưa nó là loại cua thường chễm chệ trên mâm vàng của thiên tử. Cua huỳnh đế rửa sạch, tách mai, chặt ra từng miếng nhỏ rồi um mặn ăn với cơm thì hết chê. Chỉ cần chan muỗng nước cua um thôi, đã nghe thơm lựng rồi, nói gì đến lúc cắn miếng thịt cua... Có lẽ món hấp chấm muối ớt mới làm cho người ăn tận hưởng hết chất ngọt ngào của thịt cua huỳnh đế. Vừa tách mai cua, bạn đã bị quyến rũ bởi gạch cua béo bùi, thơm ngọt. Từng thớ thịt cua săn chắc, trắng muốt nhô lên khiến vị giác của bạn “đòi” nếm ngay lập tức. Muối phải là muối hột được giã chung với ớt xanh và thêm tí bột ngọt thì chấm thịt cua mới đúng điệu. Cũng có thể luộc cua, lấy thịt, ướp gia vị rồi tao dầu để nấu cháo. Nồi cháo cua huỳnh đế ngon phải có lớp mỡ hành vàng sánh ở trên, lẫn với nước gạch màu đỏ cùng những thớ thịt màu trắng của cua. Húp từng muổng cháo nóng mới ngon làm sao! Mùi thơm đặc trưng xông vào mũi cùng hơi nóng phả vào mặt. Ăn hết tô cháo, mồ hôi vã cả người, nghe khỏe ra.... 

Bánh tráng nước dừa Hoài Nhơn

Bình Định được xem là quê hương của bánh tráng, vì tương truyền rằng bánh tráng là món lương khô chiến lược được ra đời cùng với bước chân thần tốc của đội quân Tây Sơn đánh đuổi ngoại xâm. Và có lẽ chỉ có bánh tráng nước dừa là mang nhiều sắc thái Bình Định nhất – rất đạm bạc, thơm ngon và hiếu khách. bánh tráng nước dừa có bề mặt lớn bằng chiếc mâm thau, cộm lên những xác cơm dừa và mè hạt. Nguyên liệu chính để làm bánh tráng nước dừa là củ mì xát nhỏ, lọc kỹ với nước và gia vị. Cơm dừa được mài vụn lấy nước cốt từ chiều hôm trước, bột và gia vị chuẩn bị sẵn.
Trong lúc chờ nước trong nồi sôi, người ta trộn đều bột với nước cốt dừa, vừng, gia vị. Khi nước sôi, múc bột đổ vào khuôn vải được căng trên miệng nồi, dùng gáo múc bột tráng đều trên mặt khuôn có chiều rộng bằng cái sàng gạo, đậy vung chừng 2 phút thì vớt bánh ra vỉ, cứ đủ 10 cái là phơi ra nắng. Tráng cho xong chiếc bánh rất đơn giản. Nhưng để cái bánh vừa tròn vừa đều, kích cỡ, độ dày xêm xêm nhau lại đòi hỏi phải có kinh nghiệm. Chỉ múc nhiều hoặc ít bột một tý, chiếc bánh sẽ to nhỏ không đều. Tráng không đều tay, chiếc bánh sẽ không tròn hoặc chỗ dày, chỗ mỏng… Chiếc bánh được vớt ra bằng chiếc que tre, trải tấm bánh vừa tráng xong lên vỉ cũng vậy. Động tác này chỉ được phép làm một lần, nếu đặt sai vị trí, gỡ ra đặt lại thì chiếc bánh sẽ bị rách. Khi phơi, làm sao cho bánh không bị cong cũng là một bí quyết. Những chiếc bánh tráng phơi khô, xếp lại một chồng được ràng (buộc) bằng dây chuối, vậy là được một ràng bánh tráng.
Là món ăn ngon, giản dị, chỉ cần nướng nở thật đều qua lửa than. Khi gặp lửa, bánh căng phồng lên, nước dừa cứ ứa ra như lớp mỡ, dậy mùi béo ngậy, chưa ăn đã thấy mùi thơm quyến rũ. Nhai vào miệng giòn tan, vị béo của dừa hòa quyện với vị béo của mè, mùi hành kết hợp với mùi tiêu, vị ngọt của bột ngọt quyện với vị cay của tiêu tạo thành hương vị dân dã rất đậm đà, vô cùng hấp dẫn. Ăn bánh tráng nước dừa không cần bàn ghế bài bản, vừa ăn vừa nói chuyện, gặp ai cũng mời, cũng chia một phần. Có lẽ vì thế mà nó còn có tên là bánh thơm thảo. 

Cá bống Lại Giang

Lại Giang, hợp dòng của 2 sông Kim Sơn và An Lão là nơi sinh ra loài cá bống đặc hữu. Mỗi năm một lần, thường vào giữa tháng tám âm lịch (Trung Thu), là lúc cá bống sinh nở, cá cái bụng đầy trứng, cá đực bụng đầy mỡ. Cá bắt được chọn những con mập mạp khỏe mạnh nhất, không bị thương hay tróc vảy, rộng vào các thúng bộng đan tre có quét dầu rái. Nước rộng phải chính nước sông Lại, còn phải mang theo nước dự trữ để thay, không thì cá chết. Theo kinh nghiệm của bà con nơi đây, cá sống ở đoạn giữa sông là loại ngon nhất, đẹp nhất – là loại cá dùng để tiến vua. Cá ở đầu sông, nơi có nhiều đá, nên vảy có sắc rằn đen không đẹp, còn cuối sông gần cửa An Dũ, ảnh hưởng thủy triều, nước lợ, thịt cá không ngon!
Thịt cá bống trắng tinh, thớ nhuyễn, có mùi thơm, không tanh như các loại cá khác, chỉ có một xương sống rất mềm, dưới bụng chứa cục mỡ màu trắng hồng to bằng quả ớt, đây là phần ngon nhất của con cá. Bữa cơm ngày mùa, một rá cơm gạo tám thơm, trên mâm có đĩa cá bống kho tiêu bốc khói và một đĩa rau ngọn bí ngô luộc thì thật tuyệt. Cái thơm dẻo nồng nàn của gạo mới cộng với cái béo, bùi , ngon ngọt của cá bống kho, cái ngót ngót thơm thơm của ngọn bí, đầu lưỡi cay cay vì tiêu, càng nhai càng thấm, càng ngon.

Mắm nhum Mỹ An

Từ vĩ tuyến 13 đến 17 của vùng biển Việt Nam, nơi nào cũng có nhum. Nhưng món mắm nhum đặc sắc, ngày xưa dùng để tiến vua, thì hình như chỉ có ở Phù Mỹ - Bình Định. Nhum là một động vật thuộc loại nhuyễn thể, có họ hàng với trai, sò; sống ở những gành đá ven bờ biển nước ấm, lẫn trong rong rêu. Nhum có nhiều loại, để muối mắm phải là nhum ta màu đen. Cắt sơ những chiếc gai nhọn tua tủa xung quanh con nhum rồi khoét một lỗ ngay miệng nhum, thế là những múi thịt nhum đã lộ ra trước mắt. Nhum mập, thịt nhum nhìn đầy đặn như những múi sầu riêng. Nhum gầy, thịt chỉ như gạch cau bám dọc theo vỏ thành từng sọc dài, nhưng vẫn béo ngậy. Để làm mắm, người ta cho thịt nhum vào chum sành, rắc một ít muối hạt lên trên, rồi đem vùi vào bếp tro hoặc "giang" ngoài nắng từ 10 đến 15 ngày. Mắm nhum chín, nhuyễn tan, sền sệt, mầu đỏ đục, thơm rưng rức. Gia vị chỉ có tỏi và tiêu để nguyên hạt. Mặn, chua, ngọt lẫn vào trong hương vị riêng của thịt nhum, tạo thành một thứ mắm đầy quyến rũ.
Đã là mắm nhum thì ăn cách gì cũng ngon. Nhưng người dân vùng biển thích nhất dùng nó với bún tươi hoặc để chấm rau sống với thịt heo ba chỉ cuốn bánh tráng. Ngon đến nhức chân răng! Món mắm hảo hạng này có thể làm vừa lòng cả những thực khách khó tính nhất trong giới sành ăn.
Người ta làm mắm nhum chỉ để dùng trong gia đình và làm quà cho người thân, bạn bè. Mắm nhum không phổ biến như các loại mắm khác nên nhiều lúc, có tiền cũng không thể mua được vì không biết nơi bán, và người có cũng chỉ khăng khăng dùng đãi khách quý hoặc để dành tặng người thân.

Bún tôm Châu Trúc

Làng Châu Trúc nằm quay mặt ra bờ đầm Châu Trúc (còn gọi là đầm Trà Ổ) là một trong những đầm nước ngọt lớn nhất tỉnh. Người dân làng Châu Trúc sống bằng nghề làm ruộng và chài lưới. Chính hai nghề này và tâm hồn người Châu Trúc đã tạo nên một món ăn thú vị, thấm đẫm hồn đất, hồn nước và mộc mạc như tâm hồn người dân cần cù lao động. Đó là món bún tôm Châu Trúc. Đầu tiên phải kể đến khâu làm bún. Gạo được ngâm vào nước cho mềm rồi mang đi xay. Nước bột gạo được cho vào túi vải đăng ráo nước, sau đó đưa bột vào cối giã nhuyễn. Mỗi cối bột là một dặn. Dặn (khuôn) ép bún được làm bằng ống nhôm, một đầu để trống, một đầu hàn kín, đáy xăm lỗ li ti để khi ép, bún từ đó mà chạy ra. Thân dặn được lắp vào bàn ép đặt cố định trên nồi nước luộc bún bắc trên bếp lò. Người bán bún ép bún từ dặn, bún chạy thẳng vào nồi nước luộc. Nước sôi, cọng bún gạo từ màu trắng đục chuyển sang màu trắng trong là coi như bún chín, dùng rá vớt bún, xóc sơ qua trong nước nguội là coi như xong phần bún.
Tôm dùng làm bún phải là những con tôm đất được đánh bắt từ đầm Châu Trúc, hãy còn sống, nhảy tanh tách, bỏ vào cối giã nhuyễn cùng với tí muối, tí ớt... Khi có người đến ăn bún, người bán dùng đũa gẩy một đũa thịt tôm cho vào bát, cho chút bột ngọt, nước mắm, múc nước luộc bún đang sôi đổ vào bát khuấy đều, sau đó cho bún vào, rắc mấy cọng hành ngò, vẩy chút tiêu. Tô bún nghi ngút khói, toả hương thơm dìu dịu, lại có thêm một cái bánh tráng nướng giòn, ăn vào thấy cay cay, vừa ngon, vừa ngọt, trong lành mà đậm đà hương vị. Cái vị ngọt nhẩn nha lan tỏa... Dân dã là thế, nhưng đi xa đến đâu vẫn thấy da diết nhớ...

Gié bò Tây Sơn

   Gié bò là món ăn chế biến chủ yếu từ ruột non của bò. Gié bò không phải là món dễ ăn và chỉ người sành ăn mới khoái khẩu. Người mới ăn lần đầu đều cảm thấy “khó trôi” bởi lẽ gié bò nấu hoàn toàn bằng ruột non của bò. Khi mổ bò, chọn khúc ruột non ngon nhất, còn tươi, bên trong ruột còn chất nhầy trong xanh gọi là gié. Để khử vị đắng người nấu phải bỏ thêm lá giang rừng và ớt chín để bão hoà với chua cay. Xổ phần gié trong ruột non ra, ruột để riêng. Ướp muối, tiêu, hành, tỏi băm nhỏ vào gié trong mươi phút cho ngấm. Sau đó đun nóng dầu, phi hành thơm, cho gié đã ướp vào xào cho chín. Đổ nước dừa tươi vào nấu sôi khoảng 15 phút, vớt kỹ bọt, để nguội lấy nước trong. Ruột non, gan bò cắt đoạn hoặc miếng vuông, ướp với hành, tỏi, muối, tiêu. Phi nóng dầu xào cho gan và ruột dậy mùi thơm rồi để nguội. Phần huyết bò khi mới cắt tiết đem luộc chín, người địa phương hay lót miếng lá chuối dưới đáy nồi, tránh bị sít. Huyết cũng được cắt cỡ miếng gan. Tất cả các nguyên liệu trên được cho vào nồi nấu chung với nước gié. Quan trọng ở giai đoạn này là cho vào những gia vị tạo hương để khử mùi hăng của gié. Đó là sả cây, gừng nướng cho thơm, tai vị đập dập cho vào nồi nấu sôi khoảng 15 phút. Sau đó cho thêm lá giang rửa sạch, vò nát vào sẽ làm cho nồi gié có vị chua. Nêm gia vị lại cho vừa ăn là được. Tô gié nóng hổi, nước gié màu nâu hơi có chút ánh xanh. Dọn thêm bún tươi, rau sống và bánh tráng mè nướng. Mùi cay nồng của ớt, gừng, sả, vị chua của lá giang, vị ngọt thanh của nước dừa, vị đắng nhẹ của gié, vị nhân nhẫn của mật bò ăn với bún và rau sống thật hợp. Gié bò càng ăn nóng càng thấy ngon bởi mùi thơm của rau bốc hương, vị đắng cồn cào của nước gié sực lên mùi hoà nhập với vị chua của lá giang, vị cay bỏng của ớt đã lôi cuốn thực khách “vào trận” một cách kỳ lạ mê hồn. Gié bò vừa ăn vừa nhâm nhi ly rượu Bàu Đá thì thấy trên cả tuyệt vời.

Chim mía Phú Phong

"Ai về Kiên Mỹ, Phú Phong/ Ăn con chim mía thỏa lòng ước ao".Đồng mía Tây Sơn ngút ngàn xanh, là chỗ cho chim mía sinh sôi, nảy nở, gọi mời du khách. Đó là loại chim nhỏ như chim sẻ, có màu lá úa thường xuất hiện vào những tháng cuối đông và đầu xuân. Người ta gọi là chim mía Phú Phong, món đặc sản nức tiếng ưa chuộng của du khách đến thăm quê hương đất võ Tây Sơn.
Muốn đánh bắt chim mía, người ta dùng cái trủ như tấm lưới, căng suốt bờ ruộng cao hơn ngọn mía, cầm sào dài đập vào lá mía, rung đuổi chim, cứ thế chúng chuyền dần vào trủ. Những chú chim mía béo tròn, được tẩm ướp gia vị gồm muối hạt giã nhỏ với ớt, hành, hạt tiêu, thêm ít bột ngọt, ngũ vị hương. Chim mía nướng vừa nhanh, vừa rất đơn giản trong cách chế biến lại ngon miệng. dùng một cái xiên thành xâu, nướng chim trên bếp than hồng. Khi nướng, nhanh tay lật trở để chim chín đều và không bị cháy. Khi những chú chim mía chuyển sang màu vàng rộm, mỡ chảy xèo xèo trên bếp than và dậy mùi thơm là món chim nướng đã hoàn thành. Chim mía nướng nóng giòn chấm muối tiêu chanh, thơm ngon phải biết. Để làm món chiên thì thả chim vào chảo dầu phụng vừa sôi, chỉ mươi phút là chim vàng ngậy, xương thịt giòn tan. Cho chim ra đĩa, rắc thêm lên một ít hạt mè rang cho đẹp mắt. Muốn ăn đúng món chim mía, hãy tinh ý chọn những con đầu nhỏ, mỏ ngắn. Chim rán xong còn đủ cả đầu, mình, chân, cánh thơm lựng. Cắn một miếng ta sẽ có ngay cái cảm giác tổng hợp: dai dai của thịt, giòn giòn của xương, béo béo của da, vị ngọt đằm, không lẫn vào đâu được. Chim mía mà có thêm rượu Bầu Đá nhâm nhi thì cứ gọi là đệ nhất mỹ thực.

Cá niên An Lão

An Lão là nơi sinh sống, vẫy vùng của loài cá niên phóng khoáng, được ca tụng là "cá vua" hay "cá đại gia". Cá niên chỉ cư ngụ nơi nước chảy xiết, trong veo, tinh khiết, thức ăn duy nhất là rêu đá dưới chân thác. Nó là loài cá của núi rừng, vừa dũng mãnh vừa thanh tao, mình trắng đẹp, không lớn lắm, to thì nhỉnh hơn 2 ngón tay nhưng rất khoẻ, suốt ngày cứ lao mình vun vút ngược dòng suối như muốn thử sức cùng với tốc độ của dòng chảy. Cá không cần qua chế biến gì, chỉ cần đem nướng một loáng, khi bốc mùi thơm lừng là xong. Khi ăn, chấm với muối giã ớt xanh, thêm vài giọt chanh, vài lát cà chua kẹp rau thơm. Cá càng nhỏ, ăn càng tuyệt. Ăn cá niên nướng ngon nhất là cách dùng tay gỡ thịt cá hoặc cầm nguyên con chấm muối mà cắn nhai ngấu nghiến, hít hà bởi vị ớt cay nồng. Hương vị cá thơm ngon đậm đà, thoang thoảng mùi thảo mộc thật là khó tả. Ruột cá niên là bộ phận quý nhất mà kẻ sành ăn nào cũng thích với vị đăng đắng, thanh thanh của mật cá. Ăn rồi vẫn còn thòm thèm, không ngán. Ngoài nướng là ngon nhất, cá niên còn được làm gỏi. Cá sống được vệ sinh sạch sẽ, xắt lát, vắt chanh, gia vị, mắm muối rồi trộn lẫn với lá dớn non (loại cây mọc ven sông, đặc trưng của An Lão), đọt non của cây lộc vừng, thêm chút ớt xanh. Món gỏi cá niên càng hấp dẫn hơn khi có vị chát của lộc vừng, vị nhớt của lá dớn cùng với mùi thơm đặc trưng riêng của cá, phảng phất hương vị rong rêu, sông nước chốn sơn hà. /.








Xem Thêm »